Điều trị viêm gan hiệu quả, an toàn và lưu ý khi chữa bệnh

Điều trị viêm gan hiệu quả, an toàn và lưu ý khi chữa bệnh

iêm gan là tình trạng các mô tế bào gan bị viêm và tổn thương, do nhiều loại virus truyền nhiễm hoặc tác nhân không truyền nhiễm gây ra. Mỗi loại sẽ có khả năng tiến triển và mức độ nặng khác nhau. Vậy điều trị viêm gan hay chữa viêm gan, cách điều trị viêm gan như thế nào cho hiệu quả?

Phương pháp điều trị viêm gan

Để điều trị viêm gan hiệu quả, trước tiên chúng ta cần xác định nguyên nhân gây bệnh và giai đoạn bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh viêm gan gồm hai loại:

Tác nhân truyền nhiễm: Có 5 chủng virus chính là virus viêm gan A, B, C, D và E. Mỗi loại có con đường lây nhiễm riêng, mức độ tiến triển và khả năng điều trị khác nhau. Có sự phân bố khác nhau ở từng khu vực địa lý.
Viêm gan do tác nhân không truyền nhiễm: Bao gồm viêm gan do rượu, viêm gan do rối loạn chuyển hoá (MASH), viêm gan tự miễn, viêm gan do nhiễm độc (hóa chất, thuốc, chất độc…)

Dựa theo thời gian mắc bệnh, viêm gan được chia thành viêm gan cấp tính, bệnh thường đơn giản và có thể tự khỏi; hoặc viêm gan mạn tính (thời gian mắc bệnh >6 tháng) với nhiều nguy cơ biến chứng hơn, thậm chí phải điều trị suốt đời.

1. Điều trị viêm gan do virus (virus A, B, C, D…)

1.1 Viêm gan A

Virus viêm gan A chủ yếu lây truyền qua đường tiêu hóa hay đường phân – miệng, đặc biệt phổ biến ở những nơi có điều kiện vệ sinh thực phẩm kém.

Viêm gan A có thể tự khỏi trong vòng vài tuần đến vài tháng. Bệnh không có cách điều trị cụ thể, quan trọng là người bệnh được nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống vệ sinh, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể nhanh chóng hồi phục và tăng khả năng đào thải virus sớm ra khỏi cơ thể.

1.2 Viêm gan B

Viêm gan B và C là một trong những loại viêm gan do virus phổ biến nhất trên thế giới, với hơn 350 triệu ca mắc trên toàn cầu.

Viêm gan B lây truyền qua đường máu, đường từ mẹ sang con và đường quan hệ tình dục. Bệnh có khả năng tiến triển mạn tính, cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây xơ gan, ung thư gan và tử vong liên quan đến viêm gan do virus.

Điều trị ngăn ngừa lây nhiễm viêm gan B sau khi phơi nhiễm: Nếu bạn nghi ngờ bản thân vừa tiếp xúc với virus viêm gan B mà chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, chưa có miễn dịch chống viêm gan B thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được tiêm globulin miễn dịch trong vòng 12 giờ sau khi tiếp xúc, có thể ngăn ngừa mắc bệnh. Nồng độ Anti-HBs < 10 mUI/ml được xem là chưa có miễn dịch với viêm gan B, cần tiêm vắc xin phòng bệnh. (1)
Điều trị viêm gan B cấp tính: Nếu người bệnh mắc viêm gan B có thể phát hiện sớm, bệnh còn ở giai đoạn cấp tính thì bác sĩ có thể hướng dẫn các biện pháp nghỉ ngơi tại nhà, ăn uống đủ chất để chống lại nhiễm trùng. Một số trường hợp diễn tiến nặng, việc sử dụng thuốc kháng virus có thể cần thiết.

Điều trị viêm gan B mạn tính: Hầu hết là điều trị suốt đời để giảm nguy cơ biến chứng xơ gan, ung thư gan và phòng ngừa lây nhiễm cho người khác. Một số loại thuốc có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng như:Thuốc ức chế virus viêm gan B: Hai loại thuốc hiện nay là Entecavir và Tenofovir, giúp cơ thể chống lại virus, giảm khả năng gây hại cho gan, được sử dụng theo đường uống.

Thuốc tiêm interferon: Thuốc kích thích hệ miễn dịch tiêu diệt virus và các tế bào bị virus xâm nhập.

Ghép gan (thay thế một phần hoặc toàn bộ lá gan của người bệnh) có thể được chỉ định trong trường hợp gan đã bị tổn thương nghiêm trọng, xơ gan giai đoạn cuối, không có khả năng phục hồi.

1.3 Viêm gan C

Người bệnh viêm gan C thường không có triệu chứng đáng chú ý nên thường không phát hiện mình bị bệnh, dẫn tới bỏ lỡ điều trị và kéo dài thành mạn tính.

Viêm gan C có thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc kháng virus, nhưng đáng nói vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh như viêm gan A, B.

1.4 Viêm gan D

Virus viêm gan D cần virus viêm gan B để tồn tại nên chỉ có thể lây nhiễm cho những người mắc viêm gan B.

Điều trị viêm gan D hiện chủ yếu áp dụng cho những trường hợp mạn tính. Cách tốt nhất vẫn là phòng viêm gan D bằng cách tiêm vắc xin phòng virus viêm gan B.

1.5 Viêm gan E

Tương tự viêm gan A, virus viêm gan E thường lây nhiễm qua đường vệ sinh thực phẩm, bệnh nhiễm trùng nhẹ và có thể tự khỏi. Hiện không có vắc xin phòng viêm gan E.

2. Điều trị viêm gan không do virus (do rượu, do nhiễm mỡ, do thuốc, tự miễn)

Viêm gan do rượu: có thể là cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào thói quen sử dụng rượu của người bệnh.

Rượu không chỉ gây độc cho gan mà còn khiến gan tăng hoạt động để đào thải rượu ra khỏi cơ thể. Ở một thời điểm nhất định, gan chỉ có thể chuyển hóa một lượng rượu nhất định. Nếu quá mức có thể khiến cơ thể ngộ độc và viêm gan cấp tính.

Ngừng uống rượu là cách tốt nhất giúp gan được phục hồi. Bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh các biện pháp điều trị kèm theo như dùng thuốc, dinh dưỡng khoa học.

Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (viêm gan do rối loạn chuyển hoá): Điều trị chủ yếu với 3 yếu tố quan trọng là (1) chế độ ăn uống, (2) thể dục thể chất, và (3) dùng các thuốc hỗ trợ. Thuốc đặc trị cho tình trạng viêm gan nhiễm mỡ không do rượu đang trong quá trình đưa ra thị trường là resmetirom đã được FDA chấp thuận đầu năm 2024.

3. Viêm gan nhiễm độc, viêm gan do thuốc

Tiếp xúc với hóa chất, hay sử dụng các loại thuốc tác dụng phụ gây độc cho gan, sử dụng thực phẩm chức năng không đúng cách… có thể gây viêm gan.

Bệnh có thể tích tụ dần theo thời gian nhưng cũng có thể khởi phát ồ ạt, khiến người bệnh sốt, phát ban, buồn nôn, nôn, đau bụng, đau khớp, vàng da, nước tiểu sậm màu, gan to và đau…

Điều trị tốt nhất là dừng sử dụng thuốc nghi ngờ. Tuy nhiên, một số trường hợp bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, từ đó đề xuất giảm liều hoặc thay thế bằng thuốc khác nhằm điều trị bệnh lý có sẵn của người bệnh.

4. Viêm gan tự miễn

Viêm gan tự miễn là bệnh lý hiếm gặp gây viêm gan kéo dài, trong đó hệ thống miễn dịch tấn công và gây tổn thương gan.

Bệnh không thể điều trị dứt điểm, chỉ có thể dùng thuốc làm chậm hoặc ngăn ngừa sự tấn công của hệ miễn dịch tới các tế bào gan. Điều trị phổ biến là thuốc kháng viêm corticosteroid và thuốc ức chế miễn dịch (azathioprine, mercaptopurine…)

Có khoảng 80% bệnh nhân cảm thấy bệnh có thể được kiểm soát sau vài năm điều trị, tuy nhiên, bệnh thường tái phát nếu ngừng thuốc. Nhiều trường hợp là điều trị cả đời. (2)

Nếu bệnh tiến triển nặng thành xơ gan, suy gan, ghép gan có thể là biện pháp cuối cùng để giúp người bệnh có một lá gan khỏe mạnh.

5. Hỗ trợ điều trị, chăm sóc tại nhà (thay đổi lối sống, ăn uống khoa học)

Trong tất cả các trường hợp viêm gan, hỗ trợ điều trị, chăm sóc tại nhà bao gồm thay đổi lối sống, ăn uống khoa học luôn là biện pháp đầu tay và là một trong những biện pháp quan trọng nhất.

Người bệnh cần chú ý nghỉ ngơi đầy đủ tại nhà, tránh vận động hoặc hoạt động thể lực mạnh.

Nạp đủ calo cho cơ thể bằng cách ăn uống đa dạng nhiều nhóm dưỡng chất. Có thể chia thành nhiều bữa nhỏ và chế biến các loại thực phẩm lỏng mềm như cháo, bún, phở… giúp người bệnh dễ tiêu hóa.

Tăng cường chất xơ từ rau xanh, củ quả, sẽ giúp giảm lượng axit béo trong gan, kiểm soát viêm gan tốt hơn.

Việc kiêng khem một loại thực phẩm nào đó là không cần thiết. Tuy nhiên người bệnh cần hạn chế các thực phẩm nhiều cholesterol (nội tạng động vật, lòng đỏ trứng…), tránh thực phẩm quá mặn, quá ngọt (nhiều đường) hoặc thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, gan, hàu… Gan có vai trò chuyển hóa và bài tiết sắt, khi bị viêm gan, quá trình chuyển hóa bị kém đi có thể khiến sắt ứ đọng, tăng tổn thương gan.

Những lưu ý khi chữa trị viêm gan

Để điều trị viêm gan hiệu quả, người bệnh cần lưu ý:

  • Tuân thủ phác đồ điều trị và không tự ý sử dụng các loại thực phẩm chức năng, các loại thuốc lá, thuốc nam trước khi có sự đồng ý của bác sĩ.
    Tái khám và xét nghiệm định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm tra chức năng gan và xác định nồng độ virus (trường hợp viêm gan do virus) trong cơ thể.
  • Các trường hợp viêm gan B mạn tính, người bệnh có thể cần uống thuốc suốt đời. Việc bỏ điều trị có thể khiến tải lượng virus tăng lại, ảnh hưởng đến cơ thể và lây nhiễm cho mọi người xung quanh.
  • Thai phụ mắc viêm gan cần chủ động theo dõi thai kỳ chặt chẽ với bác sĩ, đặc biệt là các trường hợp viêm gan do virus, vì có thể lây nhiễm cho thai nhi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *